Diễn biến thị trường hiện nay cho thấy lượng giao dịch tăng đáng kể ở tất cả phân khúc nhưng không đột biến, giá cả nhìn chung ổn định.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng
“Thị trường bất động sản (BĐS) đang có những dấu hiệu phục hồi tốt và sẽ tiếp tục phát triển ổn định. Thời gian qua, giải pháp phá băng thị trường BĐS gắn với thực hiện chiến lược nhà ở quốc gia đã mang lại kết quả tích cực” - nhận định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng.
Thưa Bộ trưởng, Bộ trưởng nhìn nhận về sự hồi phục của thị trường BĐS hiện nay như thế nào?
Trong quá trình vận hành phát triển của thị trường BĐS, đồng thời cũng đã diễn ra sự sàng lọc mạnh. Theo đó, nhà đầu tư có năng lực, hoạt động chuyên nghiệp, có chiến lược dài hạn, đầu tư tập trung không dàn trải, có uy tín… đã huy động được các nguồn lực để vượt qua khó khăn.
Các dự án phát triển nhà ở được triển khai tốt, nhất là phân khúc nhà ở tầm trung, trung bình và NOXH, đã làm thay đổi về chất nguồn cung - cầu hàng hóa, sản phẩm BĐS, đáp ứng được nhu cầu đa dạng và thiết thực của người dân có nhu cầu thực về nhà ở, cũng như của các nhà đầu tư trên thị trường.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư thiếu tầm nhìn và chiến lược dài hạn, năng lực yếu, đầu tư kinh doanh ăn xổi, không chú trọng đến quyền lợi của khách hàng đều lâm vào tình trạng khó khăn, dự án bị đình trệ, để lại hệ quả xấu, đòi hỏi cần có sự nỗ lực để giải quyết.
Hiện nay, với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, kinh tế vĩ mô đang từng bước phục hồi. Cùng với đó là các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS theo Nghị quyết 02/ND-CP và Nghị quyết 61/NQ-CP của Chính phủ được các cấp, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện, cũng như việc bắt đầu triển khai thi hành Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS từ ngày 1-7-2015 với nhiều quy định mới, đã bước đầu hướng thị trường BĐS nói chung và thị trường nhà ở nói riêng đi vào phát triển ổn định, lành mạnh.
Diễn biến thị trường hiện nay cho thấy lượng giao dịch tăng đáng kể ở tất cả phân khúc nhưng không đột biến, giá cả nhìn chung ổn định. Tại các dự án có tiến độ triển khai tốt, vị trí thuận lợi gần trung tâm đô thị có sự tăng giá; lượng hàng tồn kho giảm; thị trường tiếp tục thanh lọc nhà đầu tư qua việc mua bán-sáp nhập dự án; một số dự án bị đình trệ trước đây được triển khai trở lại.
Mặc dù vậy, nhiều dự án từ trước đây lâm vào nợ xấu vẫn bị đình trệ vì thiếu nguồn lực, khả năng huy động vốn thấp…gây cản trở quá trình chuyển đổi dự án, chuyển đổi nhà đầu tư. Để tháo gỡ, nhiều chủ đầu tư đã chủ động tìm kiếm đối tác có năng lực để hợp tác đầu tư hoặc chuyển nhượng dự án; thực hiện các biện pháp thỏa thuận với người mua nhà và các tổ chức tín dụng để tìm cách tháo gỡ khó khăn về vốn.
Luật Kinh doanh BĐS 2014, Luật Nhà ở 2014 chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2015. Bộ Xây dựng đã triển khai việc thực hiện các luật này như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Bộ Xây dựng đang hoàn thiện Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh BĐS 2014 thay thế Nghị định 153/2007/NĐ-CP. Trong đó sẽ hướng dẫn cụ thể và chi tiết các nội dung liên quan về chuyển nhượng dự án được quy định trong luật, giải quyết các bất cập, khó khăn về chuyển nhượng dự án, góp phần tháo gỡ vướng mắc về xử lý nợ xấu.
Bộ Xây dựng cũng đang nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở, trong đó có nội dung về xử lý nhà ở hình thành trong tương lai. Đồng thời, Luật Kinh doanh BĐS 2014 và Luật Nhà ở 2014 đều đã có quy định về trường hợp chuyển nhượng hợp đồng mua bán NoTM được xây dựng trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, bao gồm cả trường hợp đã nhận bàn giao nhà ở từ chủ đầu tư nhưng chưa nộp hồ sơ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đối với nhà ở đó…
Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các địa phương đẩy mạnh khuyến khích doanh nghiệp tham gia triển khai các dự án NoXH, tạo điều kiện thuận lợi để các hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng NoXH để bán, cho thuê, thuê mua theo quy định, nhằm góp phần tăng nhanh nguồn cung về NoXH. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với NHNN để giải quyết những vấn đề vướng mắc, tạo điều kiện cho các khách hàng có nhu cầu được vay vốn hỗ trợ từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng.
Các dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở 2014 và Luật Kinh doanh BĐS 2014 đang được hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành trước khi gửi Bộ Tư pháp thẩm định theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời ban hành và áp dụng cùng thời điểm có hiệu lực thi hành của các luật sẽ góp phần tháo gỡ vướng mắc về xử lý nợ xấu.
Gói vay 30.000 tỷ đồng đến nay theo phản ánh của người dân vẫn trong vòng luẩn quẩn. Bộ Xây dựng đã có những giải pháp gì để tháo gỡ những vướng mắc và thúc đẩy giải ngân gói 30.000 tỷ đồng?
Trong quá trình triển khai cho vay hỗ trợ nhà ở, Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thường xuyên phối hợp chặt chẽ để hướng dẫn, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các tổ chức tín dụng cũng như của khách hàng là doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân khi thực hiện thủ tục vay vốn và giải ngân gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng.
Những vấn đề cụ thể liên quan đến đối tượng được vay vốn, mức thu nhập, điều kiện khó khăn về nhà ở… đã được Bộ Xây dựng và NHNN hướng dẫn cụ thể nhằm tháo gỡ những khó khăn, đẩy nhanh việc cho vay vốn hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Nghị quyết 02/NQ-CP và Nghị quyết 61/NQ-CP của Chính phủ.
Bộ trưởng có thể điểm qua một vài thành tựu của ngành xây dựng những năm qua cũng như nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới?
Có thể nói, ngành xây dựng bước vào thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch 5 năm (2011-2015) trong điều kiện kế thừa những thành tựu quan trọng sau hơn 20 năm Đổi mới, đồng thời đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Hệ thống pháp luật chuyên ngành dù đã cơ bản điều chỉnh trên hầu hết lĩnh vực quản lý nhà nước về xây dựng, nhưng cũng bộc lộ không ít hạn chế. Hệ thống đô thị phát triển nhanh, nhất là tại các đô thị lớn, nhưng thiếu đồng bộ và các công cụ kiểm soát.
Trước tình hình này, Bộ Xây dựng đã ban hành nhiều chỉ thị, chương trình, kế hoạch hành động cho từng năm, cho 5 năm. Trong đó tập trung hoàn thiện thể chế quản lý kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công tác quản lý; đổi mới nâng cao chất lượng, kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch xây dựng; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường quản lý đầu tư xây dựng, kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch…
Nhờ đó, ngành xây dựng đã đạt được những thành quả nhất định. Chỉ tiêu phát triển kinh tế của ngành luôn duy trì tăng trưởng khá; công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước, quản lý ngành phù hợp với cơ chế thị trường, với nhiều quan điểm đổi mới, có tính đột phá, chất lượng văn bản quy phạm pháp luật được nâng lên, góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của ngành. Công tác quản lý đầu tư xây dựng cũng được tăng cường, góp phần tích cực chống thất thoát lãng phí trong đầu tư, nâng cao chất lượng công trình và hiệu quả của sử dụng vốn đầu tư xây dựng.
Nhiệm vụ đặt ra đối với ngành xây dựng trong 5 năm tới rất nặng nề. Theo đó, ngành xây dựng phải quyết liệt thực hiện tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, với các chỉ tiêu chủ yếu, như giá trị sản xuất toàn ngành tăng trưởng bình quân 9-14%/năm; tỷ lệ đô thị hóa từ mức 35,3% năm 2015 tăng lên 40% vào năm 2020; diện tích bình quân nhà ở toàn quốc từ 21,6m2/người tăng lên 25m2/người năm 2020...
Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục cải cách hành chính trong đầu tư xây dựng, không ngừng nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng, tạo nguồn lực và cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế đô thị tiếp cận với các nước trong khu vực và thế giới. Cùng với đó hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách và công cụ quản lý chi phí xây dựng phù hợp với cơ chế thị trường, thực tiễn; tăng cường công tác quản lý xây dựng theo quy hoạch đô thị, gắn kết giữa đầu tư phát triển đô thị với quy hoạch xây dựng...
Xin cảm ơn ông!
Theo Đầu Tư Tài Chính